Vài ngày qua, khi miền Bắc trong đợt nồm ẩm, anh Nguyễn Hữu Bằng (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) liên tục phải xuống sân đỗ xe của khu chung cư để nổ máy chiếc Honda Civic đời 2013 của mình dù chẳng đi đâu đến xe.
Chia sẻ về điều này, anh Bằng cho biết, thời tiết đang nồm ẩm mà xe ít sử dụng sẽ rất hại, nhất là trong khoang nội thất bởi dễ sinh ra nấm mốc, gây hôi và khó chịu. Do vậy, khi trời mưa ẩm thì cứ 3 ngày 1 lần, anh phải "làm nóng" động cơ, đồng thời bật điều hoà cho không khí lưu thông để làm khô khoang lái.
"Nhớ đợt nồm ẩm cách đây hơn 1 tháng, sau khoảng 2 tuần đi công tác không động đến xe, lúc mở cửa tôi hốt hoảng vì nhiều bộ phận như ghế sau, ốp vô lăng, bệ tỳ tay,... xuất hiện lốm đốm mốc. Dù lấy khăn ướt lau đi là sạch nhưng cảm giác ngồi lên xe vẫn rất mùi. Sau đó tôi phải đưa đi làm sạch toàn bộ khoang nội thất xe mất hơn 500 nghìn đồng", anh Bằng kể.
Trên thực tế, vào thời gian nồm ẩm như khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 ở miền Bắc, không ít người giống như anh Bằng khi bước vào xe đã phải "tá hoả" vì nhiều bộ phận như ghế, vô lăng, các hộc để đồ ở cánh cửa,... mốc meo chỉ sau một thời gian ngắn không dùng tới ô tô.
Theo các chuyên gia, thời tiết ấm cùng môi trường có độ ẩm rất cao, kín gió và bề mặt có da, mồ hôi, đồ ăn thừa,... như ở trên ô tô chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc độc hại sinh sôi nảy nở. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mĩ của nội thất mà còn tác động không tốt đến sức khoẻ của những người ngồi trong xe.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại ô tô Đại Linh (Đan Phượng, Hà Nội) nhận định, thời gian này ở miền Bắc thường có mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí rất cao, nồng độ axit và các chất ăn mòn khác cùng bụi bẩn và tro bụi công nghiệp trong nước mưa cũng cao hơn nhiều so với mưa mùa hè. Những tác động trên khiến ô tô dễ bị hỏng hóc hơn các mùa khác.
"Vào mùa nồm ẩm, ô tô thường xuất hiện những bệnh rất đặc trưng, dễ thấy nhất là còi, đèn "tậm tịt" do bị ẩm các giắc điện và các hộp điều khiển trong xe. Đặc biệt là nội thất (da, nỉ, nhựa,...) bị nấm mốc do độ ẩm quá cao, có khi chỉ cần vài ngày không động đến xe đã bị mốc lên rồi", kỹ sư Đại chia sẻ.
Bản thân tại gara ô tô của anh Đại có rất nhiều trường hợp khách hàng mang xe đến trong tình trạng nhiều chi tiết đã bị "mốc meo". Dù đã lau chùi, vệ sinh sạch nhưng những vết ố mốc vẫn không hết hoàn toàn mà cần phải xử lý kỹ, nhất là trên các bộ phận bằng nỉ của xe như trần hay ghế nỉ.
Theo vị chuyên gia này, ngoài vấn đề về thời tiết thì chính thói quen sử dụng của chủ xe cũng phần nào khiến nội thất ô tô bị tình trạng gặp phải nấm mốc, xuống cấp.
Dễ thấy nhất là nhiều người để đồ ăn, nước ngọt, sữa,... vương vãi trong xe nhưng không được lau chùi sạch. Những đồ ăn này gặp hơi nóng ẩm sẽ nhanh chóng phân huỷ, sinh ra nấm mốc và bốc mùi khó chịu. Tiếp đến là những bộ phận dễ dính mồ hôi tay như vô lăng, cần số hay các vị trí tay mở cửa xe cũng dễ bị nấm mốc hơn những vị trí khác.
Để hạn chế điều này, kỹ sư Đại cho rằng, không có cách nào khác là phải thường xuyên vệ sinh xe, nhất là các bộ phận dễ bị nấm mốc tấn công nói trên ngay sau mỗi chuyến đi bằng những dung dịch khử khuẩn.
Bên cạnh đó, bộ lọc gió của xe cũng phải đặc biệt được chú ý làm sạch khô thường xuyên. Nếu lọc gió bị ẩm ướt cũng dễ gây nấm mốc và mùi hôi, không chỉ không có tác dụng lọc không khí mà nấm mốc từ đây còn ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người trên xe.
Ngoài ra, kỹ sư Lê Hồng Đại cũng đưa ra lời khuyên cho các chủ xe trong mùa nồm ẩm hiện nay nên thường xuyên "làm nóng" xe hơn. Nếu ít sử dụng thì từ 3-5 ngày phải khởi động xe 1 lần, mỗi lần ít nhất khoảng 5 phút để hệ thống điện được vận hành. Đồng thời bật điều hoà và đóng kín cửa để không khí lưu thông và hút hơi ẩm bên trong khoang lái.
(Nguồn vietnamnet)